Bảo mật thông tin cá nhân và tài khoản trực tuyến hiện đang trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng bởi tin tặc ngày càng tinh vi hơn với những hình thức tấn công password nhằm chiếm đoạt tài khoản người dùng. Để bảo vệ an toàn cho dữ liệu của doanh nghiệp, bài viết sau đây chúng ta sẽ chỉ ra ba hình thức tấn công mật khẩu phổ biến nhất và các biện pháp phòng chống, xử lý khi tài khoản bị tấn công.
3 hình thức tấn công Password phổ biến
Các hình thức tấn công password đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với người dùng internet. Dưới đây là ba phương pháp tấn công phổ biến nhất mà tin tặc thường sử dụng để xâm nhập vào hệ thống và đánh cắp thông tin mật khẩu:
Brute Force Attack
Brute Force Attack, hay còn gọi là tấn công dò tìm mật khẩu, là một trong những hình thức tấn công password lâu đời nhất. Với phương pháp này, tin tặc sẽ sử dụng phần mềm tự động để thử liên tiếp hàng triệu mật khẩu khác nhau, từ các tổ hợp ký tự đơn giản như “123456” cho đến những chuỗi ký tự phức tạp để tìm được mật khẩu chính xác.

Do quá trình này dựa trên việc thử sai nhiều lần, tấn công Brute Force thường yêu cầu thời gian và sức mạnh xử lý của hệ thống. Với mật khẩu ngắn hoặc dễ đoán, cuộc tấn công có thể thành công nhanh chóng hơn. Đặc biệt, một hệ thống không có cơ chế giới hạn số lần đăng nhập sai sẽ là mục tiêu lý tưởng cho hình thức tấn công password này.
Dictionary Attack
Dictionary Attack (Tấn công từ điển) là một biến thể của phương thức tấn công mật khẩu Brute Force Attack. Trong đó, thay vì thử tất cả các tổ hợp ký tự có thể, tin tặc sẽ sử dụng một danh sách các từ, cụm từ phổ biến và có nghĩa để thử nghiệm.

Danh sách “từ điển” này thường bao gồm các mật khẩu phổ biến, tên riêng, từ thông dụng, hoặc các chuỗi ký tự dễ đoán. Các từ như “password”, “123456”, hoặc “admin” thường là những mục tiêu đầu tiên.
Mặc dù Dictionary Attack không thử tất cả các tổ hợp ký tự, nhưng vì nhiều người có thói quen sử dụng các mật khẩu phổ biến hoặc đơn giản nên hình thức tấn công này vẫn thường xuyên diễn ra.
Key Logger Attack
Key Logger Attack là hình thức tấn công đặc biệt nguy hiểm, khi phần mềm độc hại (malware) được cài vào máy tính của doanh nghiệp để ghi lại toàn bộ các thao tác gõ phím. Nhờ vậy, tin tặc có thể theo dõi các thông tin nhạy cảm như ID, password hay nhiều dữ liệu cá nhân khác.
Đây là một trong những thức tấn công password nguy hiểm nhất do việc đặt mật khẩu phức tạp không giúp ích gì trong trường hợp này. Đặc biệt, Key Logger thường được phát tán qua email lừa đảo hoặc các trang web không an toàn.
Thực tế, các hình thức tấn công mật khẩu phổ biến nêu trên chỉ là những phương pháp trực tiếp. Bên cạnh đó, tin tặc còn có thể sử dụng các kỹ thuật gián tiếp như lừa người dùng tự nguyện cung cấp mật khẩu thông qua các cuộc tấn công giả mạo (Phishing), cài đặt phần mềm độc hại (Malware), hoặc xâm nhập vào cơ sở dữ liệu – nơi lưu trữ thông tin mật khẩu của người dùng từ các dịch vụ trực tuyến,…
Cách phòng tránh tấn công Password
Để phòng tránh tấn công mật khẩu hiệu quả, doanh nghiệp nên áp dụng một số biện pháp bảo mật dưới đây:
Sử dụng mật khẩu phức tạp và duy nhất
Mật khẩu phức tạp là lớp phòng thủ đầu tiên giúp doanh nghiệp chống lại các hình thức tấn công password. Trong đó, mật khẩu mạnh nên có độ dài tối thiểu 12 ký tự và bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt. Ngoài ra, doanh nghiệp và cá nhân nên tránh sử dụng các từ thông dụng, tên riêng, hoặc chuỗi số dễ đoán như “123456”.
Đặc biệt, mỗi tài khoản của doanh nghiệp cần có một mật khẩu khác nhau. Việc sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản sẽ tạo cơ hội cho tin tặc dễ dàng xâm nhập vào tất cả các tài khoản.
Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA)
Xác thực hai yếu tố (2FA) là một lớp bảo mật bổ sung giúp ngăn chặn sự tấn công ngay cả khi tin tặc có được mật khẩu của doanh nghiệp. Với 2FA, sau khi nhập mật khẩu, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp thêm một mã xác thực ngẫu nhiên được gửi đến điện thoại hoặc email đã đăng ký, khiến cho việc xâm nhập tài khoản trở nên khó khăn hơn đối với tin tặc.
Hiện tại, các ứng dụng như Gmail, Facebook, và nhiều ngân hàng đã cung cấp tính năng này, giúp cá nhân và doanh nghiệp tăng khả năng bảo mật.
Sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu
Phần mềm quản lý mật khẩu giúp doanh nghiệp tạo ra các mật khẩu mạnh, phức tạp mà không cần nhớ hết tất cả. Các công cụ này sẽ lưu trữ mật khẩu một cách an toàn và tự động điền vào khi cần. Những phần mềm phổ biến như LastPass, 1Password, hay Bitwarden giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý và bảo vệ mật khẩu mà không phải lo lắng về việc quên mật khẩu.
Cập nhật phần mềm và hệ điều hành thường xuyên
Tin tặc thường tìm cách khai thác các lỗ hổng bảo mật trong hệ điều hành hoặc các phần mềm cũ để xâm nhập vào hệ thống của doanh nghiệp. Việc luôn cập nhật phiên bản mới nhất của hệ điều hành và phần mềm bảo mật giúp doanh nghiệp xử lý nhanh các lỗ hổng này, ngăn chặn các cuộc tấn công từ tin tặc.
Thay đổi mật khẩu định kỳ
Việc thay đổi mật khẩu định kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ bị tin tặc lợi dụng các mật khẩu cũ. Trong đó, hãy cố gắng sử dụng mật khẩu mới hoàn toàn, tránh sử dụng các biến thể của mật khẩu cũ để đảm bảo an toàn tối đa.
Cẩn trọng khi mở email và tải file
Không mở tệp đính kèm lạ và luôn kiểm tra kỹ địa chỉ email của người gửi để đảm bảo tính xác thực. Ví dụ: nếu tên người gửi hiển thị là “Công ty ABC” nhưng địa chỉ email lại là “congtyabcxyz”, điều này có thể là dấu hiệu của một email giả mạo nhằm mục đích lừa đảo.
Sử dụng VPN khi kết nối với WiFi công cộng
Nếu bắt buộc phải dùng WiFi công cộng, hãy ưu tiên sử dụng VPN để tăng cường bảo mật. VPN giúp mã hóa toàn bộ dữ liệu khi người dùng truy cập internet, từ đó ngăn chặn bên thứ ba theo dõi các hoạt động trực tuyến của người dùng. Bằng cách này, thông tin cá nhân và mật khẩu của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi các nguy cơ bị xâm nhập.
Sử dụng tường lửa
Firewall, đúng như tên gọi của nó, hoạt động như một lớp “tường lửa” bảo vệ các thiết bị của người dùng (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh,…) khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn khi truy cập internet. Tường lửa đóng vai trò như một “hàng rào” giữa thiết bị của bạn và các nguồn nhận thông tin để thực hiện việc kiểm tra toàn bộ các dữ liệu đi qua. Nhờ vậy, mọi truy cập trái phép hay không rõ nguồn gốc đều được tự động chặn lại.
Cách xử trí khi bị hack mật khẩu
Nếu cá nhân, doanh nghiệp phát hiện mật khẩu của mình bị hack hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bị tấn công, cần nhanh chóng xử lý với 3 bước sau:
Ngay lập tức khóa dịch vụ đang sử dụng
Khi phát hiện tài khoản của mình bị xâm nhập, bước đầu tiên cần làm là liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để khóa tài khoản và ngăn chặn hacker tiếp tục truy cập hoặc sử dụng thông tin.
Ngắt kết nối với các dịch vụ khác (nếu có)
Nếu tài khoản bị tấn công password liên kết với các dịch vụ khác như email, mạng xã hội hoặc tài khoản ngân hàng, hãy nhanh chóng ngắt kết nối tất cả các dịch vụ này để tránh sự tấn công lan rộng của hacker.
Xác nhận danh tính để lấy lại mật khẩu
Sau khi đảm bảo tài khoản đã được khóa và các kết nối bị ngắt, hãy bắt đầu quá trình khôi phục mật khẩu. Phần lớn các dịch vụ hiện nay đều hỗ trợ lấy lại mật khẩu bằng việc xác thực danh tính qua email hoặc số điện thoại đã đăng ký trước đó để đảm bảo rằng bạn là chủ tài khoản hợp pháp. Sau khi xác thực thành công, bạn có thể tạo mật khẩu mới và bảo mật tài khoản một cách tốt hơn.
Tổng kết
Hiểu rõ về các hình thức tấn công password phổ biến như Brute Force Attack, Dictionary Attack, và Key Logger Attack là bước đầu tiên để bảo vệ tài khoản và thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải áp dụng kịp thời các biện pháp bảo mật như sử dụng mật khẩu mạnh, xác thực hai yếu tố, và kích hoạt tường lửa để bảo đảm triệt để an toàn dữ liệu.
Đừng ngần ngại liên hệ bộ phận kỹ thuật để hỗ trợ hoặc phòng kinh doanh để tư vấn nhé.
Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.
Hotline : 0938.227.199
Zalo: 0938.227.199
Telegram: @ehostvn
Website: ehost.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/ehostvietnam/